Các giống Ấp trứng

Số lượng trứng cho một ổ phụ thuộc vào giống gà, như gà ri ấp từ 15–18 quả; gà Hồ, gà Đông Tảo từ 13–15 quả; gà tây từ 15–20 quả; ngỗng nhà từ 10–12 quả (trứng của con mẹ đẻ ra). Nếu dùng gà tây có thể ấp được 25–30 trứng gà hoặc 15–20 trứng vịt, 12–15 trứng ngỗng. Một số giống gà nhà không chỉ ấp trứng gà giỏi mà còn ấp cả các loại trứng nhỏ hơn như trứng chim cút, gà lôi, gà tây hoặc ngỗng, có khi vịt cũng ấp trứng gà.

Gà nhà

Một con gà mái đang ấp trứng

Gà mái thường đẻ trứng trong những chiếc tổ đã có sẵn trứng từ trước, do tập tính này mà một đàn gà chỉ có một số địa điểm đẻ trứng yêu thích thay vì mỗi con có một tổ khác nhau. Gà mái thường tỏ ra thích đẻ trứng có một nơi nhất định. Hai hoặc nhiều mẹ gà có thể cố gắng chia sẻ ổ với nhau cùng một lúc. Trong trường hợp ổ quá nhỏ hoặc một con gà quá cương quyết không chịu rời đi thì các gà mái sẽ cố nằm đè lên nhau. Gà mái duy trì nhiệt độ và độ ẩm trong tổ, đồng thời lật trứng trong giai đoạn đầu. Hết thời gian ấp (khoảng 21 ngày), trứng gà sẽ nở.

Do trứng chỉ phát triển khi được gà ấp nên tất cả số trứng sẽ nở chỉ trong một hoặc hai ngày, dù cho thời gian gà đẻ trứng có thể trải dài trong hai tuần. Gà mái có khả năng nghe thấy gà con kêu trong vỏ trước khi trứng nở, nó sẽ nhẹ nhàng cục tác để kích thích gà con mổ vỏ chui ra. Gà con mổ một lỗ thở trên vỏ trứng, thường là ở phần trên của quả trứng.

Gà con sau đó sẽ nghỉ ngơi trong vài giờ và hấp thu phần lòng đỏ trứng còn lại trước khi tiếp tục mổ cho đến khi lớp vỏ vỡ ra thành một cái nắp. Chúng chui ra khỏi vỏ và bộ lông được làm khô dưới sức ấm của tổ. Trong thời gian này, gà mới nở sống nhờ vào dinh dưỡng thu được từ phần lòng đỏ trứng chúng hấp thu khi sắp nở. Gà mái rời ổ, bỏ lại những quả trứng không nở được. Gà con mới nở được gà mẹ ra sức bảo vệ và được ấp để giữ ấm khi cần thiết.

Gà Onagadori mái đẻ và ấp trứng giỏi nên có thể chăm con mà không gặp vấn đề gì, đối với gà tre Nhật, một khi gà bắt cặp, tổ sẽ được đưa vào. Thông thường mỗi ngăn một tổ. Hầu hết gà tre nhật mái đẻ từ 7 đến 9 trứng rồi mới ấp, sau khoảng 10-15 phút gà mái sẽ tự vào ấp trứng, 20-21 ngày sau trứng sẽ nở. Đa phần gà mái sẽ tự rời tổ để ăn uống và vệ sinh, nhờ vậy tổ sẽ luôn sạch sẽ. Nếu gà mái thực hiện tốt vai trò làm mẹ, kết quả thu được sẽ tốt và những con gà như vậy được tuyển làm gà giống để duy trì đặc điểm này cho những thế hệ về sau.

Gà tây

Trong đời sống hoang dã, gà tây mái rừng tự tìm đến những nơi khô ráo, yên tĩnh, có lùm bụi che chắn kín đáo để làm ổ đẻ. Gà trống chỉ tham gia bằng cách đi theo cho biết chỗ và thản nhiên đứng nhìn gà mái làm mọi việc như đào hố làm ổ, phủ kín lá khô lên trên. Trong 4 tuần liên tiếp, gà mái ấp trứng cả ngày lẫn đêm, nó chỉ tạm thời rời ổ ngày vài lần để đi tìm thức ăn nước uống, chờ đến ngày gà con nở. Gà tây trống không biết ấp trứng, nhiệm vụ của gà tây trống chỉ biết “phủ” mái (đạp mái), chứ không hề biết ấp trứng. Trong thời gian mái nằm ổ thì gà trống ngao du với những mái khác, không chút bận tâm đến gà mẹ và ổ trứng. Ngay khi bầy gà con nở ra, gà cha cũng thoái thác nhiệm vụ chăn dắt, nuôi nấng, mọi việc úm ấm con, tìm mồi nuôi con chỉ mỗi gà mẹ lo liệu hết.

Gần đến ngày nhảy ổ, gà tây mái tự tìm đến nơi thích hợp để làm ổ đẻ. Gà tây nhà nhiều con cũng tìm cách lót ổ hoang ở ngoài sân vườn như vậy. Nhiều mái khác thì chịu vào đẻ trong các ổ mà chủ nuôi đã lo liệu trước cho chúng. Đối với những con say ấp, nhất là gà tây thường không chịu rời ổ để ăn uống và thải phân, vì vậy phải bắt thả ra sân vườn cho thải phân, ăn uống mỗi ngày 1 – 2 lần. Sau khi gia cầm nở hết, bắt mẹ và con ra khỏi ổ. Dùng gà tây để ấp trứng gà, trứng ngỗng, trứng ngan rất tốt, ấp được nhiều trứng, tỷ lệ trứng ấp nở cao do gà tây có bộ lông dày, cánh rộng.